100 Năm Lịch sử trên Mọi con Hẻm
Tham quan Thành phố Nguyên bản Daejeon
Trong xã hội phát triển nhanh chóng và cạnh tranh không ngừng, những điều xưa cũ thường bị lãng quên một cách tự nhiên. Điều này là do chúng ta coi trọng sự phát triển hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Daejeon cũng vậy. Là 'Thành phố Khoa học', tại đây, khoa học và công nghệ tiên tiến đã đi sâu vào tư duy và đời sống người dân, từ đó khiến lịch sử của Daejeon dần không còn nữa. Trước sự phát triển đô thị và tâm lý thờ ơ, khu vực xung quanh ga Daejeon, nơi từng là trung tâm thành phố, đã phai dần trong tiềm thức của người dân. Tuy nhiên, gần đây đã có những nỗ lực khôi phục những dấu tích xưa cũ, trả lại lịch sử, văn hóa và con người cho thành phố này.
Soje-dong với 100 Năm Lịch sử
Lịch sử của Daejeon gắn bó chặt chẽ với đường sắt. Năm 1905, một làng phát triển chung cho các kỹ sư đường sắt có tên Cheoldogwansachon đã được thành lập tại khu vực lân cận ga Daejeon trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Gyeongbu. Ban đầu có 3 ngôi làng Gwansa, nhưng sau đó phần lớn đã bị phá hủy trong Chiến tranh Triều Tiên, chỉ còn lại Soje-dong. Soje-dong được đặt theo tên của một hồ nước lớn gọi là 'Sojeho' được khai hoang trong thời kỳ còn là thuộc địa của Nhật. Ngôi làng sở hữu các công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng từ những năm 1940 và 1950. Du khách đến tham quan được khuyến khích mang theo máy ảnh để ghi lại khung cảnh có một không hai ở Daejeon. Trái ngược với những công trình kiến trúc bê tông đồ sộ của thành phố, thay vào đó, những bức tường thấp, cổ kính, những con đường gạch đá gập ghềnh, những con mương dọc hai bên đường và những trụ nhà bằng gỗ đều là những dấu tích lịch sử và văn hóa của Daejeon. Từng là một khu phố mờ nhạt và bị lãng quên, giờ đây ngôi làng dần được hồi sinh nhờ tiếp đón rất nhiều du khách tới tham quan mỗi năm.
Có khoảng 40 làng đường sắt chính thức ở Soje-dong. Trong số đó, làng Gwansa số 16 được công nhận là di tích lịch sử làng đường sắt với không gian và kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Trước đây, những ngôi làng này là nơi cư trú của gia đình các quan chức ngành đường sắt Triều Tiên. Những căn phòng trải chiếu tatami, nhà vệ sinh vẫn được giữ nguyên hiện trạng và được chuyển đổi thành không gian văn hóa tinh tế, đồng thời trở thành địa điểm tổ chức hàng loạt triển lãm của các nghệ sĩ mới nổi. Trong dãy nhà phụ ở sân trước của Chính quyền Gwansa số 16 có một quán cà phê nhỏ, nơi du khách có thể nếm thử cà phê được pha chế bởi robot. Sự kết hợp những ngôi nhà cổ kính và công nghệ robot tiên tiến làm tăng sức hấp dẫn của Soje-dong. Ở đó, quá khứ và hiện tại cùng tồn tại.
Lễ hội bánh mì Daejeon, một nơi có thể tìm thấy tất cả bánh mì của Daejeon.
Bảo tàng Lịch sử Đương đại và Hiện đại Daejeon nằm ở cuối con đường đối diện ga Daejeon. Đây là nơi tái hiện tổng thể về lịch sử 100 năm của Daejeon. Từng là tòa nhà hiện đại tiêu biểu xây dựng vào năm 1932, được sử dụng làm Văn phòng Chính quyền tỉnh Chungnam, nó hiện được dùng làm khu triển lãm như một nhân chứng sống tái hiện các sự kiện nói chung và những sự kiện quan trọng nói riêng ở Daejeon.
Bảo tàng Lịch sử Hiện đại và Đương đại là nơi tổ chức một lễ hội đặc biệt chỉ có ở Daejeon. Sau Chiến tranh Triều Tiên, lúa mì được cung cấp làm thực phẩm cứu trợ từ Hoa Kỳ; từ đó, Daejeon, với vai trò là trung tâm giao thông đường sắt, nghiễm nhiên trở thành trung tâm phân phối lúa mì. Việc thành lập các nhà máy bột mì xung quanh ga Daejeon đã giúp các thực phẩm làm từ bột mì tương đối dễ kiếm và trở thành loại lương thực đặc trưng ở Daejeon.
'Lễ hội bánh mì Daejeon' là dịp để truyền bá câu chuyện lịch sử của Daejeon thông qua bột mì do Sở Du lịch Daejeon lên kế hoạch và tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11/2021. Khi tham gia lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các loại thực phẩm làm từ lúa mì của Daejeon mà còn tận hưởng nhiều điểm tham quan, trải nghiệm phong phú như các lễ hội âm nhạc K-pop, các cuộc thi làm bánh, các lớp học nấu ăn và các cuộc thi ăn uống với YouTuber nổi tiếng thu hút khách du lịch khắp mọi miền. Năm nay, Bảo tàng triển lãm Lịch sử Đương đại và Hiện đại Daejeon sẽ tổ chức 2 Lễ hội Bánh mì, lần lượt vào tháng 5 và tháng 10, dự kiến trở thành một lễ hội phong phú, mang đến nhiều trải nghiệm và điểm tham quan đa dạng hơn tại Daejeon, qua đó thu hút sự quan tâm và hào hứng của đông đảo người dân.
Những nỗ lực nhằm kết hợp sự bảo tồn và sự phát triển đang dần củng cố mọi mặt đời sống của Daejeon. Dù không hào nhoáng nhưng bề dày lịch sử của thành phố đã trở thành sợi dây kết nối mọi người lại, tạo ra một nền văn hóa mới, thổi một luồng sinh khí mới vào trung tâm thành phố trước đây. Qua đó, bầu không khí u ám, tù đọng bị thổi bay, để lộ bản sắc thực sự của thành phố. Nhờ đó, Daejeon như đang ở trong thời kỳ phục hưng.